Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2023: Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững

(MPI) – Ngày 06/10/2023 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung tham dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với kỳ vọng sẽ thiết lập kênh thông tin thảo luận mở theo hình thức trực tiếp thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm và trực tuyến qua các nền tảng số cũng như các chuyên đề báo chí truyền thông nhằm kết nối và hội tụ sự tham gia của các bên liên quan, trao đổi, đối thoại cập nhật thông tin về các vấn đề kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành cũng như hoạt động thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp.

Các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã và đang phát huy mạnh mẽ vai trò tích cực, tạo động lực tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho các nền kinh tế trên thế giới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu trọng tâm và chiến lược trong giai đoạn 2021-2030 là cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy động lực của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, đặc biệt trong và sau đại dịch covid-19, kinh tế số đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể, là cơ sở đảm bảo đạt được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Phát triển Kinh tế số và Xã hội số giai đoạn 2021-2030 là 30% GDP. Với mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn đã được xác định là mô hình trọng tâm và cần được thúc đẩy ứng dụng trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án Phát triển Kinh tế Tuần hoàn với các quan điểm, mục tiêu và cách tiếp cận cụ thể. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai xây dựng Nghị định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, nhằm thực hiện hiệu quả Đề án đã được phê duyệt.

Với chủ đề “Các mô hình kinh tế mới tạo đột phá tăng trưởng và phát triển bền vững”, Diễn đàn được nghe bài phát biểu quan trọng từ lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương về chủ trương, chính sách, các chiến lược quốc gia, các đề án đối với phát triển các mô hình kinh tế mới gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đột phá chiến lược của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội mang nhiều ý nghĩa khi chúng ta đang tiến hành đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội  (KTXH) giai đoạn 2021-2025, 05 năm đầu của Chiến lược 10 năm 2021-2030; nhìn lại và đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, dự báo bối cảnh tình hình, nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện nhanh, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp nhằm đạt mục tiêu Kế hoạch 05 đã đề ra; đồng thời  cũng là thời điểm quan trọng để chuẩn bị xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 05 năm 2026-2030 trong chặng đường 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTXH, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững SDGs vào năm 2030.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đã gợi mở các nội dung để các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh những mô hình kinh tế mới, xu hướng chuyển dịch và phát triển các mô hình kinh tế mới trên thế giới và tại Việt Nam, yêu cầu và nhu cầu phát triển của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh, Diễn đàn là cơ hội quý báu để các cơ quan, bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác phát triển và các bên liên quan có thể thảo luận, chia sẻ một cách toàn diện, sâu sắc, đóng góp khuyến nghị cụ thể cho một lộ trình hiệu quả về các mô hình kinh tế mới để hướng tới “một Việt Nam xanh hiện tại, vững tương lai”.

Diễn đàn cũng được nghe các bài tham luận của chuyên gia trong nước và quốc tế đề cập nhiều thông tin quan trọng về xu hướng chuyển dịch, phát triển các mô hình kinh tế mới trên thế giới và tại Việt Nam. Các phân tích, đánh giá có tính tổng hợp, toàn diện và chuyên sâu về sự chuyển động chính sách gắn với các xu hướng đang trở nên phổ biến, cũng như yêu cầu và nhu cầu phát triển của nền kinh tế, của các ngành/lĩnh vực và doanh nghiệp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và trong tăng trưởng kinh tế nói riêng. Kinh tế tăng trưởng dương được duy trì trong nhiều thập niên và ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19 và hệ lụy của các biện pháp phòng chống dịch ở trong nước và nhiều thị trường đối tác, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương và phục hồi đạt mức 8,02% vào năm 2022.

Đồng thời nhấn mạnh đến quan điểm và truyền tải thông điệp phải không ngừng đổi mới nhằm cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, nâng cao năng lực nội tại và chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động cũng như mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo bà Trần Hồng Minh, tư duy phát triển các mô hình kinh tế mới đã trở thành một trụ cột quan trọng trong chính quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Do vậy, nếu tiếp tục làm sâu sắc nội dung này trong thời gian tới, chúng ta sẽ chung tay đưa thể chế trở thành một nguồn lực, thậm chí là “chìa khóa mở đường” cho tăng trưởng kinh tế có tính sáng tạo, bền vững và chất lượng hơn.

Trong khuôn Diễn đàn đã diễn ra phiên thảo luận với cách tiếp cận trao đổi trên cơ sở thực tiễn hoạt động triển khai các mô hình kinh tế mới, mô hình kinh doanh mới tại các khu vực doanh nghiệp, từ đó, nhận định, đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của từng mô hình cũng như tính tác động đồng thời của các mô hình kinh tế mới/mô hình kinh doanh mới trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế – xã hội của quốc gia nói chung.

Phiên thảo luận tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Tham gia Phiên thảo luận có đại diện các mô hình kinh tế mới, bao gồm: Tập đoàn FPT (mô hình kinh tế số), VinFast (kinh tế số – kinh tế xanh), Grab Việt Nam (mô hình kinh tế chia sẻ), Momo (mô hình kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên công nghệ), Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền (mô hình kinh tế tuần hoàn); cùng tổ chức tín dụng, ngân hàng (HSBC) đơn vị cung ứng nguồn vốn xanh cho các mô hình kinh tế mới thúc đẩy phát triển bền vững, và Deloitte Việt Nam (tư vấn quản trị doanh nghiệp và phát triển bền vững). Tham gia đối thoại trong Phiên thảo luận có đại diện các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp tiêu biểu.

Kết quả của Diễn đàn sẽ đóng vai trò là nguồn thông tin tham khảo tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý nhằm đảm bảo quá trình xây dựng, điều chỉnh và thực thi các chính sách có liên quan đáp ứng tính phù hợp, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Diễn đàn cũng nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chia sẻ và phản hồi thông tin về các chính sách hiện hành, trao đổi và tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp vào các mô hình kinh tế mới, tăng giá trị và hiệu quả.

Tiếp ngay sau Diễn đàn đã diễn ra Chương trình 20 năm Thương hiệu Mạnh Việt Nam (2003-2023), công bố và vinh danh Thương hiệu Mạnh Việt Nam 2022-2023./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *