Về chúng tôi

Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) là cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và văn phòng tại Đà Nẵng, địa bàn hoạt động trên các tỉnh thành phía Nam.

IPCS trực thuộc Cục Đầu tư nước ngoài, được thành lập theo Quyết định số 1120/QĐ-BKHĐT ngày 15 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Đầu tư nước ngoài phía Nam, tiền thân là Cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quyết định số 792/QĐ-BKHĐT ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc sát nhập Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung vào Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam.

IPCS thực hiện chức năng xúc tiến đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên khu vực phía Nam. Kế thừa kinh nghiệm nhiều năm hoạt động từ Cơ quan đại diện phía Nam – Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), IPCS đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn, xúc tiến và thu hút đầu tư nước ngoài.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của IPCS

1. Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư theo quy định của pháp luật.
a. Nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư.
b. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội kết nối đầu tư.
c. Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào khu vực và hỗ trợ các địa phương xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư.
d. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư.
e. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư.
f. Triển khai các nội dung trong thoả thuận hợp tác với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư theo quy định của pháp luật và sự phân công của Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài.

2. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư của Cục Đầu tư nước ngoài
a. Hỗ trợ công tác tham mưu, tổng hợp việc xây dựng và thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia liên quan đến các địa phương.
b. Hỗ trợ công tác tổng hợp, theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình Xúc tiến đầu tư của các địa phương theo chương trình đã được phê duyệt.
c. Hỗ trợ Cục Đầu tư nước ngoài trong công tác theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài của các địa phương.
d. Hỗ trợ công tác tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện, mức độ hoàn thành theo mục tiêu đề ra của chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm; điều kiện, xu thế và bối cảnh gắn với tiềm năng của vùng, địa phương.
e. Hỗ trợ công tác đánh giá hiệu quả công tác xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; những đóng góp của hoạt động xúc tiến đầu tư đối với phát triển kinh tế – xã hội của Bộ, ngành, địa phương và của vùng.

3. Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư các địa phương theo sự phân công
a. Hỗ trợ và phối hợp với các địa phương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; xây dựng định hướng, kế hoạch và chương trình xúc tiến đầu tư phù hợp với định hướng, kế hoạch xúc tiến đầu tư trong từng thời kỳ và chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.
b. Hỗ trợ và phối hợp với các địa phương định hướng, xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm.
c. Hỗ trợ các địa phương kết nối với các cơ quan, tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài.

d. Phối hợp với các địa phương trong việc cung cấp các thông tin về thị trường, đối tác tiềm năng phục vụ công tác xúc tiến đầu tư.

4. Hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan
a. Phối hợp với đại diện xúc tiến đầu tư của Việt Nam và cơ quan đại diện ở nước ngoài thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ các các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan.
b. Tìm kiếm cơ hội đầu tư, hình thành dự án đầu tư, vận động xúc tiến đầu tư theo các chương trình dự án (bao gồm cả xúc tiến đầu tư ra nước ngoài).
c. Tổ chức các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để vận động xúc tiến đầu tư.
d. Hợp tác thành lập các bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp, các bộ phận kết nối đầu tư với các đối tác, nhà đầu tư.

5. Nhiệm vụ khác
a. Tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài; các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư và
các cơ quan liên quan.
b. Tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề án sử dụng kinh phí từ nguồn Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác của các tổ chức quốc tế, đối tác đầu tư nước ngoài và của tư nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và sự phân công của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.
c. Được chủ động phát triển các hoạt động dịch vụ tạo thêm nguồn thu trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm, theo các quy định của pháp luật hiện hành.
d. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phân công.

Cơ cấu tổ chức