Diễn ra vào thứ bảy ngày 12/6/2021, Liên đoàn đầu tư Ấn Độ (IIF) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức Hội nghị trực truyến “iVietnam – Invest Vietnam Conclave” gồm các vòng thảo luận giữa các cơ quan chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp.
Ông Rajat Dhar, Giám đốc IIF chủ trì khai mạc Hội nghị với lời cảm ơn về sự tham dự của các diễn giả: ông Phạm Sanh Châu – Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Madan Mohan Sethi – Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, bà Đặng Thị Ngân Hà – Đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu từ phía Nam (IPCS), các hiệp hội, doanh nghiệp Ấn Độ và sự quan tâm của gần 100 doanh nghiệp đến từ các điểm cầu quốc tế.
Tại hội nghị lần này, với sự tham dự và phát biểu của ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Ấn Độ, nhấn mạnh “Đối với bất kỳ doanh nghiệp nào để tồn tại và phát triển, các chính sách của Chính phủ đóng một vai trò quan trọng”. Ông giải thích những cải cách mới của Chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở Việt Nam đến nay đã chính thức tham gia, ký kết thực hiện 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực.
Cụ thể, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Ấn Độ (AIFTA): được ký kết ngày 08/10/2003. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục ký kết Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực 01/7/2015) nhằm hình thành Khu vực thương mại tự do ASEAN – Ấn Độ.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại diện IPCS đã giới thiệu những lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 5 năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
“Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á nổi tiếng với bề dày lịch sử, điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự phát triển của những đô thị sầm uất. Với chi phí lao động thấp và nền kinh tế đang phát triển ổn định, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến kinh doanh mới thu hút các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu và có ý định thành lập doanh nghiệp và nhà máy tại Việt Nam”, nhận xét từ ông Sanjay Jain, Giám đốc tài chính Wipro Unza Việt Nam.
Trước khi bế mạc Hội nghị, Ban lãnh đạo các công ty Ấn Độ hiện đang đầu tư tại Việt Nam như: Leaps & Bounds, Wipro Unza Việt Nam, Finogent Advisory LLP, Tata Coffee Việt Nam,… đã có phiên giải đáp trực tiếp đại biểu tham dự những thắc mắc về thành lập doanh nghiệp, triển khai hoạt động đầu tư – kinh doanh và các khía cạnh liên quan khác tại Việt Nam.
Hội nghị nhằm tạo ra một diễn đàn cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư Ấn Độ để tìm hiểu và đối thoại với các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Giúp các nhà đầu tư định hình phương hướng kinh doanh và đầu tư; từ đó đem lại cái nhìn sâu sắc về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, sự phối hợp linh hoạt của các bên đã khiến khoảng cách và dịch bệnh không còn là rào cản đối với một số hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam
Phòng Thông tin Tư liệu