Luật Công nghiệp trọng điểm - Bài 1: Doanh nghiệp Việt cần lực đẩy mới

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức, cần động lực mới từ Luật Công nghiệp trọng điểm để vượt khó, bứt phá và phát triển bền vững.

Trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong sản xuất và kinh doanh. Chính vì vậy, xây dựng những chính sách mới về phát triển công nghiệp được mong đợi có thể đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế quốc gia.

Nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm có thể đáp ứng nhiều kỳ vọng quan trọng từ doanh nghiệp bằng cách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, hỗ trợ tài chính, thúc đẩy liên kết ngành và đảm bảo phát triển bền vững.

Doanh nghiệp tồn tại cũng khó đừng nói phát triển

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn và áp lực nặng nề do nhu cầu giảm sút và thiếu đơn hàng. Không có việc làm và nhu cầu yếu là một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và giờ làm việc để cắt giảm chi phí.

Bên cạnh đó, vấn đề về thanh khoản và dòng tiền đang là một trong những áp lực lớn đối với các doanh nghiệp. Thiếu tiền mặt và khó khăn trong việc thu hồi công nợ dẫn đến khả năng thanh toán cũng như đảm bảo hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, đa số doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng để huy động vốn hoặc mở rộng hoạt động.

TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, thời gian gần đây, ngành cơ khí đang đối mặt với việc giảm sút về đơn hàng cả trong nước lẫn từ nước ngoài. Ảnh hưởng đại dịch COVID-19, số lượng các công trình công nghiệp được khởi công giảm làm đơn hàng trong nước đã ít lại càng ít hơn.

Thêm vào đó, ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukrainea làm cho đơn hàng từ nước ngoài giảm sút, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp của ngành cơ khí đang phải tìm mọi biện pháp để giữ cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

“Nếu không có những cơ chế, chính sách phù hợp cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ, của các bộ, ngành thì doanh nghiệp để tồn tại được cũng là vấn đề khó khăn chứ chưa nói đến phát triển”, TS. Nguyễn Chỉ Sáng nhấn mạnh.

Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí còn nhiều dư địa để phát triển nhưng đang gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP
Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí còn nhiều dư địa để phát triển nhưng đang gặp khó khăn sau đại dịch COVID-19. Ảnh: VGP

Vốn là một trong những ngành hàng có doanh thu hàng chục tỷ USD song dệt may đang gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), cho thấy doanh nghiệp dệt may đang gặp nhiều khó khăn như thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nợ xấu. Một số phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu như tất cả các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu.

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), từ đầu năm, doanh nghiệp chủ yếu chỉ nhận được đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún. Hoặc có nhiều đơn hàng, đơn giá giảm sâu, nhiều mã giảm tới 50%. Trước kia đơn giá áo sơ mi khoảng 1,7-1,8 USD thì nay chỉ còn 70 – 80 cent. Chưa kể những rủi ro như khách chậm trễ giao hàng, tồn kho tăng… Tình trạng này khiến doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam hết sức khó khăn.

Một số ngành nghề khác như lương thực thực phẩm, tuy có sự tăng trưởng sản phẩm đồ uống và một số loại thực phẩm nhưng toàn ngành lại sụt giảm. Ngành cơ khí điện có tình trạng chung là đơn hàng giảm, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%. Ngay cả ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ, tình hình xuất khẩu cũng giảm 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, paleet, đồ gỗ giảm đến 45%. Thị trường nội địa cũng đón nhận những đợt sụt giảm lớn về tiêu thụ… Theo đánh giá, hiện các doanh nghiệp Việt bị cạnh tranh khốc liệt bởi doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động…

Trong khi đó, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh, lại cho biết một “nỗi đau” khác mà doanh nghiệp Việt đang phải chịu, đó là có sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, xuất khẩu sang nước ngoài rồi lại đấu thầu, nhập khẩu về Việt Nam. Ông Tống khẳng định doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể sản xuất những sản phẩm tương tự hàng ngoại nhập được các gói thầu sử dụng, thậm chí họ đã có thể xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài nhưng để được tham gia thầu lại phải đi “lắt léo” kiểu này.

Vẫn theo ông Tống, cơ khí là ngành cơ bản phục vụ các lĩnh vực khác, là trái tim của nền kinh tế. Tuy nhiên, nền cơ khí của nước ta chưa được đầu tư phát triển đúng yêu cầu. Ngoại trừ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp tư nhân trong ngành chủ yếu phát triển dựa trên đam mê với nghề. Những doanh nghiệp này tự đầu tư phát triển từ mô hình nhỏ đi lên chứ không có nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó khi đơn hàng sụt giảm mạnh. Ảnh: Vietnam+
Doanh nghiệp dệt may gặp khó khi đơn hàng sụt giảm mạnh. Ảnh: Vietnam+

Đại diện một doanh nghiệp chuyên về sản xuất linh kiện cho máy ép nhựa cho biết, những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong thời gian vừa qua chủ yếu liên quan đến vấn đề vay vốn và hỗ trợ lãi suất. Việc đầu tư sản xuất linh kiện cho máy ép nhựa đòi hỏi vốn đầu tư lớn và sự chuyên nghiệp cao. Khi có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiêp tìm hiểu các chính sách hỗ trợ nhưng vấp phải thủ tục phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, lãi suất vốn vay lên đến 10 – 12% mỗi năm khiến doanh nghiệp chùn bước bởi tính ra “lờ lãi” chẳng còn bao nhiêu. Do đó để có tiền mua sắm máy móc sản xuất chuyên dụng nhằm mở rộng quy mô, doanh nghiệp này đã phải bán đất, nhà cửa để có vốn.

Lãnh đạo doanh nghiệp hy vọng rằng, tới đây Chính phủ sẽ quan tâm và hỗ trợ những ngành mũi nhọn như sản xuất linh kiện, máy móc, từ đó giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư và phát triển, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nước khác.

Tạo sức bật và thúc đẩy phát triển bền vững

Những khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay cũng đã được đặt lên bàn thảo luận cụ thể tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết “sức khỏe” của doanh nghiệp bị bào mòn những năm qua do kinh tế đi xuống, tiếp cận vốn khó khăn. Điều này cho thấy tình hình cấp bách, đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ từ Chính phủ và các cơ quan liên quan để giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp Việt và cần sớm có chính sách tháo gỡ. Ảnh: VGP

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho hay tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều doanh nghiệp chia sẻ “đã dùng hết những đồng tiền dự trữ cuối cùng”. Điều này cho thấy doanh nghiệp đã phải sử dụng hết các nguồn tiền dự trữ mà họ có để duy trì hoạt động và trang trải các chi phí, doanh thu giảm sút đã gây ra. “Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, doanh nghiệp nói rất thẳng thắn. Họ đã dùng những đồng dự trữ cuối cùng để trang trải cho 2 năm vừa rồi, giờ thì không còn dư địa để sản xuất”, ông Phương nói.

Khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) cho thấy, có tới 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, 17,6% cho rằng họ đang bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp, 17,6% thiếu vốn kinh doanh, 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%.

Để tạo thêm trợ lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay HUBA đã đưa ra một số kiến nghị như cơ cấu lại nợ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính và vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục gia hạn nợ vay trong một năm đối với các khoản vay trung và dài hạn, hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng, hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua và thị trường…

Tương tự, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trần Như Tùng kiến nghị một số nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp dệt may trong ngắn hạn. Cụ thể, cần tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu: Việc tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU – nơi mà Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại song phương tự do (FTA), sẽ giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu và đưa sản phẩm của ngành dệt may ra thị trường quốc tế.

Thêm vào đó, đề xuất ngân hàng cung cấp gói vay ưu đãi với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc trả lương cho người lao động. Điều này giúp giảm bớt chi phí tài chính cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì và phát triển nhân sự. Những kiến nghị này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc mở rộng thị trường xuất khẩu và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong việc trả lương cho người lao động. Điều này sẽ giúp ngành công nghiệp dệt may vượt qua khó khăn và phục hồi sau đại dịch COVID-19, đồng thời đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS – TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần chính sách mới để tạo sức bật và thúc đẩy phát triển bền vững. Những chính sách này cần tập trung vào hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp trọng điểm, thúc đẩy sự liên kết ngành và nâng cao chất lượng sản xuất.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong nước, đặc biệt là đầu tư vào các ngành công nghiệp có vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Các chính sách hỗ trợ đối với đầu tư và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan có thể thu hút các dự án đầu tư mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu và tìm kiếm cơ hội thương mại với các quốc gia trong và ngoài khu vực, giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm nguồn lực và tiềm năng phát triển mới.

“Những chính sách này giúp các doanh nghiệp trở thành “đầu tàu” và tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả cạnh tranh của cả nền kinh tế”, ông Long nhấn mạnh.

Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm về Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm
Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm về Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm

Trong bối cảnh đó, nhằm tạo động lực lâu dài, bền vững cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, bất cập hiện tại trong phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương tích cực xây dựng dự án Luật Công nghiệp trọng điểm. Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp, nhằm giải quyết những hạn chế và bất cập hiện tại trong quá trình phát triển công nghiệp của nước ta.

Luật sẽ ưu tiên, chú trọng các nguồn lực quốc gia để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, gồm: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu-luyện kim, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm-sinh học, công nghiệp dệt may, da – giày. Các giải pháp trọng tâm đang được xây dựng sẽ gồm ưu đãi đầu tư, tăng tỷ trọng công nghệ cao, tăng giá trị sản xuất tại Việt Nam, nâng cao năng suất, chất lượng và hình thành các cụm liên kết với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn…

Thông qua việc xây dựng luật này, Bộ Công Thương mong muốn thúc đẩy và tăng cường phát triển bền vững cho ngành công nghiệp trọng điểm trong tương lai.

Luật Công nghiệp trọng điểm – Bài 2: Kỳ vọng động lực mới

Ngô Hằng – Hoàng Hưng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *