Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Với chính sách mở cửa, khuyến khích mời gọi đầu tư nên dòng vốn FDI vào Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh qua các thời kỳ.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến 20/11/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 26,46 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 17,1 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính lũy kế đến ngày 20/11/2021, cả nước có 34.424 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 405,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 249 tỷ USD, bằng 61,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án còn hiệu lực.
Tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn phức tạp nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn duy trì lòng tin vào môi trường đầu tư – kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn và dài hạn. Một trong những đối tác đứng thứ 26 trong 141 nước đầu tư vào Việt Nam là Ấn Độ, liên tục tìm kiếm những cơ hội mở rộng kinh doanh và đầu tư mới. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) luỹ kế đến 20/11/2021 các doanh nghiệp Ấn Độ đã đầu tư 991,76 triệu USD với 315 dự án. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được đầu tư nhiều nhất lên tới 540,98 triệu USD.
Đối với khu vực phía Nam, từ đầu năm đến nay Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Nam (IPCS) – Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp FDI Ấn Độ đối với môi trường đầu tư phía Nam. Nắm bắt được nhu cầu tìm hiểu về môi trường và tiềm năng đầu tư của các tỉnh phía Nam của các nhà đầu tư Ấn Độ, vào thứ sáu ngày 10 tháng 12 năm 2021, IPCS phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Tọa đàm Xúc tiến Đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh phía Nam (Bến Tre, Cà Mau, Bình Dương) trong tình hình mới”.
Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép”: khống chế thành công dịch bệnh và thực hiện kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu này Chính phủ đã có những chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI nói chung và các doanh nghiệp Ấn Độ nói riêng đang đầu tư tại Việt Nam yên tâm sản xuất kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện quy định hiện nay đã được nới lỏng.
Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam
Phòng Thông tin tư liệu