Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2023

(MPI) – Tính đến ngày 20/9/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ, giảm 0,5 điểm phần trăm so với 8 tháng đầu năm.

Cụ thể, có 2.254 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 66,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 10,23 tỷ USD (tăng 43,6% so với cùng kỳ); có 934 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 21,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 5,15 tỷ USD (giảm 37,3% so với cùng kỳ); có 2.539 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 5,9% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4,82 tỷ USD (tăng 47% so với cùng kỳ).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 45% so với cùng kỳ. Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gấp gần 63,8 lần) và gần 734 triệu USD (tăng 18,7%). Còn lại là các ngành khác.

Xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 32,6%) và điều chỉnh vốn (chiếm 56,3%). Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch GVMCP (chiếm 41,4%).

Trong 9 tháng năm 2023, đã có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,98 tỷ USD, chiếm hơn 19,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 15,2% so với cùng kỳ 2022. Trung Quốc đứng thứ 2 với 2,92 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng 94,9% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,9 tỷ USD, chiếm hơn 14,3% tổng vốn đầu tư, tăng 51% so với cùng kỳ.

Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 21,2%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,7%) và GVMCP (chiếm 28,5%).

Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,46 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,21 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 82,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương,…

Nếu xét về số dự án, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (38,2%), số lượt dự án điều chỉnh (23%) và GVMCP (66,3%).

Xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực ĐTNN ước đạt gần 191,31 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ, chiếm 73,5% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 189,9 tỷ USD, giảm 8,9%, chiếm 72,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt gần 154,12 tỷ USD, giảm 14,2% so cùng kỳ và chiếm 64,4% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm trong 9 tháng năm 2023, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu gần 37,2 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 35,8 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 16,1 tỷ USD.

Tính tới ngày 20/9/2023, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 0,9 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2023./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *